Thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc đậm chất Quảng, cố đô đẹp như mơ
0 /5 của 0 đánh giá
Mới đây, ekip "Mắt biếc" đã tung ra video hậu trường phim Mắt Biếc với những cảnh quay đẹp như mơ. Bạn có tinh ý nhận ra những đặc trưng thiết kế bối cảnh phim Mắt Biếc ở cố đô Huế và vùng đất mộng mơ Quảng Nam không?
Mục lục | Hiện
Có gì trong thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc sắp ra mắt ngày 20/12?
Sau thành công vang dội của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015), Victor Vũ tiếp tục chuyển thể truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh thành bộ phim điện ảnh "Mắt Biếc" cùng tên. Mới đây, trong video hậu trường phát hành ngày 3/12, đạo diễn Victor Vũ cho biết việc dựng lại không khí thập niên 1970 là thách thức lớn với anh và êkíp.
Với bối cảnh được chọn là thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước ở Huế, với nhiều con phố cổ kính, gợi cảm giác hoài niệm, nhiều chi tiết như biển hiệu, đèn đường, phương tiện giao thông, quán xá vỉa hè... đã được dàn dựng lại. Thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc từ kiến trúc nội thất, trang phục, trường học, nữ sinh, làng Đo Đo, hội chợ dân gian, đường phố, nhà ga xe lửa rất công phu để phù hợp với sự góp mặt của hơn 1.000 diễn viên quần chúng cho bối cảnh phim thời điểm đó.
Thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc của Victor Vũ đầy cảm xúc ở làng Đo Đo và ngôi nhà tuổi thơ của hai nhân vật chính Lan - Ngạn
Những cảnh quay thiên nhiên nên thơ, yên bình như cảnh đồng quê xã Quảng Phú - huyện Quảng Điền - Huế thực sự là một bối cảnh rất đẹp cho mối tình trên phim. Chợ Đo Đo cũng vậy, là nơi chứa bao cảm xúc, kỉ niệm của tuổi thơ. Bối cảnh chợ Đo Đo với từng chiếc sạp hàng, từng loại nông sản, từng khu vực trong và ngoài chợ đều được tính toán tỉ mỉ và được đạo diễn Victor Vũ sắp xếp khác đi qua mỗi thời kỳ trong bộ phim.
Có một xứ Huế nơi thời gian như ngừng lắng lại, có một gã khờ cứ mãi mắc kẹt trong màu Mắt Biếc của người thương, và đó là nam sinh đạp trên chiếc xe đạp cổ băng qua những mái nhà cổ kính với nền sơn xanh hai bên đường.
Loạt bối cảnh gây thương nhớ về một thập niên 60, 70 đầy hoài cổ với những cô gái Huế thướt tha với tà áo tứ thân đi dạo trên con phố Huế, quanh quanh là những gánh hàng rong của các cô, các bà đội nón lá rôm rả chuyện trò, mời chào bên lề đường.
Góc phố cũ được tái hiện chân thật và tinh tế; những biển hiệu dường như vẫn lưu giữ trong đó cả một thời kỳ kinh tế của Huế, nơi mà người dân rất ưa chuộng may mặc, vải vóc và những gói thuốc, chiếc kẹo chứa "trời thương nhớ"...
Trong những ngày gian khổ đó, bên một lớp học nhỏ của thầy giáo Phu nghiêm khắc cũng là nơi lớp trẻ được bố mẹ gửi gắm học hành, Si Tình đã làm quen với Mắt Biếc, người bạn gái đầu tiên trong đời.
Góc chợ đêm, tuổi thơ của chàng “si tình” và nàng “mắt biếc” không thiếu những món quà nho nhỏ, những gian hàng tuy đơn sơ, giản dị nhưng trên môi những con người nơi đây luôn có một nụ cười hiền lành và chân chất.
Ngạn ra đi để lại Trà Long, làng Đo đo, và cả mối tình anh ôm ấp một đời - và đây cũng chính là gốc cây tình yêu, nơi lũ trẻ ngày ngày đi qua, lớn lên và trao cho nhau những tình cảm sáng trong nhất.
Thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc của Victor Vũ tinh tế với trường trung học kiểu mẫu Huế - Trường đại học sư phạm Huế
Trường Đại học Sư phạm Huế đã từng là địa điểm được rất nhiều các bộ phim nổi tiếng chọn lựa, nằm ở số 34 Lê Lợi (TP. Huế) và là một trong những ngôi trường nổi tiếng và lâu đời nhất tại miền Trung. Cảnh ngôi trường nơi nhân vật Hà Lan theo học cũng là bối cảnh được Victor Vũ tâm đắc nhất.
"Để tái hiện giờ tan trường, tổ trang phục may vài trăm bộ áo dài xưa. Diễn viên quần chúng đều là nữ sinh các trường phổ thông tại Huế. Trong cảnh này, tôi chủ đích xây dựng màu sắc kỳ ảo, cổ tích (fantasy) để phim khác truyện", Victor Vũ chia sẻ.
Lãng mạn áo trắng nữ sinh tan trường, những ánh mắt lưu luyến thuở học trò, những giọt nước mắt khi thấy người yêu ngả vào vòng tay người khác, hay cái thảng thốt khi lạc mất nhau ở bến tàu là những cung bậc cảm xúc được diễn tả trong các bối cảnh phim rực rỡ ánh sáng.
Cảnh tan học ở ngôi trường nữ sinh của Hà Lan đáng yêu như bước ra từ trang sách, rừng sim nơi Ngạn dần nảy sinh tình cảm với Hà Lan cũng chính là ngọn đồi Thiên An lại càng lãng mạn hơn với ca khúc nhạc phim do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác: Có chàng trai viết lên cây...
Dũng “phong trần”, Hà Lan “mắt biếc” và Ngạn “si tình” là những nhân vật chính được ê-kip chăm sóc kỹ lưỡng để diễn tả thành công tạo hình lý tưởng của các học sinh xứ Huế.
Một góc nhỏ gợi nhớ lại bao nhiêu kỉ niệm ngày thơ bé được tái hiện trong một cảnh phim, chiếc đồng hồ Tây, bộ bình sứ cũ và chiếc đèn dầu toả thứ ánh sáng dịu dìu được thắp mỗi khi cúp điện chắc hẳn sẽ khiến bạn xem được khơi gợi không ít xúc cảm.
Những gì là gần gũi, là dễ thương, là tuổi thơ.
Góc học tập của chàng Si tình và nàng Mắt biếc cũng như bao cô cậu học trò khác lớn lên ở ngôi trường Kiểu Mẫu.
"Hà Lan không quên chai dầu gió, nó chỉ quên tôi"...
Thiết kế bối cảnh phim Mắt biếc của Victor Vũ: Hà Lan đi giữa đường phố về đêm - góc quán bar Peace
Xuất hiện và gây ấn tượng trong trailer là hình ảnh quán xá về đêm của thập niên 60, 70 với vô vàn bảng hiệu neon xanh đỏ hút mắt, đường Huỳnh Thúc Kháng được mệnh danh là con phố sầm uất nhất tại Huế thời nay. Có thể thấy, nhiều con phố như Bạch Đằng, Kim Long, Huỳnh Thúc Kháng được chặn lại và sửa sang theo phong cách thập niên 60-70, các đạo cụ, thiết kế và phục trang được chăm chút tỉ mỉ để quay phim. Không những thế, phần ánh sáng và màu sắc còn được thiết kế sao cho hoà hợp với bối cảnh.
Không chỉ địa điểm quay, thiết kế nội thất đạo cụ của những phân cảnh này cũng rất thú vị nên bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Những bộ bàn ghế ngoài trời đơn sơ, giản dị chứ không được hiện đại và tinh tế như mẫu thời nay.
>>> Xem thêm: "Đột nhập" vào những quán Bar nổi tiếng nhất nhì Hà Nội
“Vũ trường” ngày ấy với những chiếc đèn thả trang trí hết sức độc đáo!
“Mắt biếc” hút về rất nhiều tên tuổi tài năng, bắt đầu từ tác phẩm lãng mạn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đến đạo diễn tài ba Victor Vũ. Cùng với đó là sự góp sức của chuyên gia D.O.P - Giám đốc hình ảnh và ánh sáng người Mỹ Dominic Pereira - người từng được biết đến qua bộ phim hành động lãng mạn kinh điển "Dòng máu anh hùng". Ngoài ra, Ghia Ci Fam là chuyên gia thiết kế mỹ thuật cho phim "Mắt biếc" cũng từng đoạt giải thưởng quốc tế về thiết kế mỹ thuật và trang phục cho "Ba mùa", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Song Lang"…
Những cộng sự tài năng này đã dốc sức cùng Victor Vũ tạo ra một “Mắt Biếc” vừa chân thực, vừa nên thơ ở thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ở đó, khán giả sẽ đồng hành với câu chuyện tình lãng mạn, có chút đắng cay, trong một khung cảnh Việt Nam xưa cũ mà thân thuộc. “Cũng như 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', làm phim 'Mắt biếc', tôi thấy mình tràn đầy sức sáng tạo trong từng cảnh quay, từ ngày khởi quay cho tới khi đóng máy” - đạo diễn Victor Vũ tiết lộ.
Mắt Biếc có sự tham gia của Nguyễn Trúc Anh trong vai Hà Lan và Trần Nghĩa với vai Ngạn. Bộ phim sẽ chính thức công chiếu tại các rạp trên cả nước vào ngày 20/12/2019. Cùng chờ đón bộ phim này nha!
>>> Xem thêm:
Phong thủy Nghiên cứu Nhân vật Mẹo vặt