Cho nhân viên thiền 2 tiếng mỗi ngày và không làm việc quá lâu, KTS Võ Trọng Nghĩa tạo nên kỳ tích kiến trúc
0 /5 của 0 đánh giá
"Được thúc đẩy bởi những lý do riêng, những con người này đã đi tìm lòng can đảm, chấp nhận rủi ro nhất và làm việc vô cùng chăm chỉ để đạt mục tiêu của mình", tờ báo danh tiếng bậc nhất nước Mỹ giới thiệu về công ty của KTS Võ Trọng Nghĩa.
Mục lục | Hiện
Khi người dân thành thị tìm mọi cách để cuộc sống bớt ngột ngạt hơn, các kiến trúc sư cũng phải làm việc vất vả hơn để kết hợp không gian xanh với các vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên, không ai thực hiện điều này như cách KTS Võ Trọng Nghĩa đang làm.
Công ty của anh - Vo Trong Nghia Architects, với trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, luôn áp dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống của Việt Nam chẳng hạn như cột trụ tre, gạch thông gió, hệ thống làm mát nước, sân hiên và mái tranh; đồng thời luôn ứng dụng yếu tố xanh vào trong các công trình gồm những bức tường xanh rậm rạp, những cây cảnh dạng dây leo, những thân cây xuyên nhà, đá mòn, sân vườn trũng.
Ngoài ra, họ còn mở rộng sang lĩnh vực nhà xây sẵn, nông trại đô thị, cao tầng xanh, cùng các dự án về đô thị và công viên trên khắp châu Á.
KTS Võ Trọng Nghĩa: "Tôi muốn tạo ra một ngôn ngữ kiến trúc mới ở nước ta"
KTS Võ Trọng Nghĩa là nhân vật thứ 6 mà tờ The New York Times lựa chọn cho loạt bài mới trên mục Visionaries - chuyên giới thiệu những gương mặt đột phá, vượt qua giới hạn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học, công nghệ cho đến văn hóa, thể thao.
"Được thúc đẩy bởi những lý do riêng, những con người này đã đi tìm lòng can đảm, chấp nhận rủi ro nhất và làm việc vô cùng chăm chỉ để đạt mục tiêu của mình", tờ báo danh tiếng bậc nhất nước Mỹ giới thiệu.
Thường xuyên được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế lớn với các công trình độc đáo, KTS Võ Trọng Nghĩa chính là người được "chon mặt gửi vàng" để đại diện cho lĩnh vực kiến trúc lần này.
>> Trò chuyện với KTS Tạ Xuân Vạn: Kiến trúc sư và con cóc
Tất cả những nỗ lực trên đều phục vụ cho một tầm nhìn xuyên suốt: Sáng tạo trong thiết kế kiến trúc, nhằm kết hợp thiên nhiên, kiến trúc bản địa và phong cách thiết kế đương đại thông qua các vật liệu và phương pháp hiện đại.
KTS Võ Trọng Nghĩa coi đây không chỉ là cách để cải tạo môi trường đô thị, mà còn đem lại ý niệm về sự bình an trên thế giới.
KTS Võ Trọng Nghĩa thường điều hành công ty của mình từ xa
Bắt đầu theo đuổi thiền từ năm 2012, anh đã dành 2 năm vừa qua tại Trung tâm Thiền định Pa-Auk Tawya - một tu viện Phật giáo ở Myanmar. Anh vẫn giải quyết công việc thông qua điện thoại, nhưng chỉ trong những khoảng thời gian ngắn.
Trong năm tới, Võ Trọng Nghĩa dự định sẽ quay trở lại Việt Nam. Tại công ty của anh, toàn bộ nhân viên đều ngồi thiền ít nhất 2 tiếng/ngày. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức, tránh xa rượu chè, thuốc lá và dối trá.
Cuộc phỏng vấn mới nhất giữa KTS Võ Trọng Nghĩa và tờ New York Times
Anh muốn mọi người hiểu như thế nào về công việc của mình?
Đầu tiên, tôi muốn mọi người biết về sự tập trung của chúng ta vào thiền định và giới luật hướng dẫn. Nếu bạn có thể thiền trong vài giờ, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng. Bạn có thể trở thành siêu việt so với con người cũ của bạn. Kiến trúc trở nên dễ dàng. Chúng ta không tập trung làm việc quá lâu, mà là làm sạch tâm trí và làm sạch trái tim của chúng ta. Đó là lý do tại sao công ty chúng tôi làm việc rất hiệu quả.
Nhìn từ góc độ thiết kế, chúng tôi tập trung vào việc kết nối con người với thiên nhiên. Chúng tôi cố gắng tạo ra một dấu ấn nhỏ trong thành phố. Tại Việt Nam, công viên và không gian xanh trong đô thị rất ít. Mọi người đang bị tước đi từng khoảnh khắc, từng không gian thiên nhiên. Đó là lý do tại sao nơi nào trên thế giới cũng xảy ra xung đột.
Nếu không có thiên nhiên xung quanh, chúng ta sẽ trở nên điên loạn. Vì thế, chúng tôi cố gắng lấy thiên nhiên để bao bọc cuộc sống quanh mình.
Ai hay điều gì đã truyền cảm hứng để anh dấn thân vào lĩnh vực này?
Trước tiên, tôi là người rất yêu cây cối. Khi nhìn vào một cái cây, tôi sẽ tập trung vào phần lá, xem chúng cần bao nhiêu dưỡng chất từ đất và ánh nắng mặt trời.
Tôi lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Bình. Ở đó rất nóng, mà chúng tôi thì chẳng có điện. Tôi nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của cây cối đối với môi trường nơi mình ở.
Làng tôi nằm gần ranh giới tự nhiên giữa hai miền Bắc - Nam. Thời xưa, khi chiến tranh rồi bom đạn liên miên, rất nhiều người đã ngã xuống. Giống như bao người dân khác trong làng, gia đình chúng tôi cũng nghèo. Tôi từng nghĩ, trở thành kiến trúc sư sẽ khiến mình giàu có. Sau này, tôi mới hiểu rằng sự thực không phải như vậy. Tuy nhiên, tôi chẳng bận tâm, bởi tôi yêu kiến trúc vô cùng.
Vì chiến tranh kéo dài quá lâu, chúng tôi đã không thể phát triển lối kiến trúc hiện đại ở Việt Nam. Tôi muốn đem đến điều này. Tôi muốn tạo ra một phong cách kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên - không cần tới điều hòa, bắt nguồn từ những vật liệu rẻ và đơn giản.
Trước đây, anh học kiến trúc ở đâu?
Tôi học kiến trúc tại Nhật Bản trong 10 năm. Tốt nghiệp Viện Công nghệ Nagoya, tôi lấy thêm bằng thạc sĩ ở Đại học Tokyo sau đó.
Tôi học được sự trung thực trong thiết kế và sự trung thực trong cuộc sống. Tôi học về cấu trúc, thông gió, cấu trúc gỗ, bê tông và thiết kế cho khu vực khí hậu nhiệt đới.
Khi quay trở lại Việt Nam, tôi mới nhận ra các thành phố của chúng tôi thiếu hụt về cây xanh và kiến trúc như thế nào.
Trong lĩnh vực này, anh phải đối mặt với những thách thức gì?
Công việc của một kiến trúc sư luôn đầy những thách thức. Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là hòa hợp thiên nhiên với mật độ dân cư đông đúc và tạo ra những công trình kiến trúc trường tồn với thời gian. Mọi người thường nói đến kiến trúc bền vững nhưng công trình của họ chỉ có thể tồn tại vài năm. Thế thì sao gọi là bền vững?
Ngày nay, con người chỉ muốn xây thật nhanh, nhanh và nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn tạo ra những thứ rác rưởi. Chúng tôi nói với nhà thầu rằng chúng tôi muốn tạo ra một công trình kiến trúc có thể tồn tại đến hàng trăm năm, nhưng có vẻ họ không chịu lắng nghe.
Để tạo nên một công trình bền vững, nó phải được xây chuẩn xác, về mặt kiến trúc và chi tiết. Vấn đề không nằm ở tiền bạc, mà là ở cách sử dụng đúng vật liệu, đúng cách.
Chúng tôi sử dụng tre, gỗ, đất nung, đá và một số thứ khác. Đối với chúng tôi, cây cối là một yếu tố cần thiết trong kiến trúc, chứ không chỉ đơn thuật là vật trang trí.
Anh có thể nói rõ hơn về xu hướng sử dụng các vật liệu tự nhiên của mình không?
Chúng tôi sử dụng tre, gỗ, đất nung, đá và một số thứ khác. Đối với chúng tôi, cây cối là một yếu tố cần thiết trong kiến trúc, chứ không chỉ đơn thuật là vật trang trí.
Khi xây dựng công trình, mọi người thường đặt cây trên tầng thượng. Chúng tôi lại muốn cây cối và toàn bộ các vật liệu tự nhiên tương tác với công trình. Để giảm ngấm nước và lũ lụt. Để lọc ánh nắng. Để lọc âm thanh. Để nâng cao chất lượng sống ở khu vực đông dân.
Trên hết, chúng tôi muốn tái chế nước và sử dụng pin mặt trời. Chúng tôi cố gắng hợp nhất nguồn năng lượng thiên nhiên với các vật liệu tự nhiên.
KTS Võ Trọng Nghĩa: "So với sự giác ngộ, việc trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng chỉ là điều vô nghĩa"
Vậy anh định nghĩa thế nào về thành công?
Sự giác ngộ. So với sự giác ngộ, việc trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng chỉ là điều vô nghĩa.
Thiền có ảnh hưởng như thế nào đến phong cách thiết kế của anh?
Nếu bạn tập trung cao độ, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ bình yên. Mọi ý tưởng thiết kế sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ ra ý tưởng thiết kế. Nó không chỉ là sự tập trung - đó là sự tập trung cao độ.
Tôi có thể tập trung trong vòng 3 tiếng liên tục. Chỉ cần tâm trí thông suốt, bạn có thể dễ dàng nghĩ ra ý tưởng thiết kế nếu muốn. Thay vì vò đầu bứt tai về ý tưởng thiết kế, tôi chỉ ngồi thiền. Và sau 5 - 10 phút, tôi sẽ tìm ra ý tưởng thiết kế mình muốn.
Phong thủy Nghiên cứu Nhân vật Mẹo vặt