Châu Đốc House - công trình đậm chất miền Tây sông nước của KTS Nhật Bản
0 /5 của 0 đánh giá
Từng là công trình gây được tiếng vang rất lớn khi mới ra đời, sau hơn 3 năm nhìn lại, Châu Đốc House vẫn là một dự án độc đáo trong cách nhận diện văn hoá Việt Nam từ một KTS người nước ngoài.
Mục lục | Hiện
Châu Đốc House - công trình nhà ở Việt Nam giản dị đậm chất miền Tây sông nước của vị kiến trúc sư Nhật Bản
Là một công trình sáng tạo của KTS Shunri Nishizawa (Nhật Bản), Châu Đốc House có hình hài thể hiện trọn vẹn cho lối sống, phong tục và cả đặc thù kiến trúc địa phương miền sông nước Châu Đốc, An Giang. Do kinh phí hạn hẹp, người kiến trúc sư đã tái sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như hệ kèo cột gỗ, tôn sóng để kiến tạo hình hài mới cho căn nhà nơi 3 thế hệ cùng sinh sống này.
Với góc nhìn mới mẻ của một người ngoại quốc, KTS Shunri Nishizawa đã triển khai những ý tưởng xử lý không gian dựa trên tình trạng hiện hữu và vật liệu sẵn có. Anh cho dỡ bỏ các vách ngăn thô cứng, mở rộng tối đa những ô cửa sổ và cho lắp đặt những hệ cửa lật để ngôi nhà có thể "rộng tay" đón chào nắng gió thoả thê. Những điều chỉnh táo bạo này giúp xử lý tình trạng bí bức, thiếu sáng trong những căn nhà mái thấp tiêu biểu ở nơi đây. Không gian được khai phóng, rộng mở và liền mạch, xoá nhoà đi cảm giác tách biệt giữa bên ngoài và bên trong. Những con người cư ngụ tại đây sẽ lại như được sống trong cái mênh mang tự do phiêu bồng của miền sông nước.
Chất mộc mạc, chân phương thể hiện qua những kèo gỗ trần, những mảng tôn sóng gần gụi với nếp sống người bình dân và tường in hằn vân hình của những liếp tre. Tất cả những chi tiết đó trông lạ mà cũng thật thân quen, cái tinh thần bản địa độc đáo nay được truyền tải qua một thứ ngôn ngữ sáng tạo mới mẻ và tài tình: tôn trọng bản chất chân thật nhưng không hề bị rập khuôn, cũ kỹ.
Tên dự án: House in Chau Doc
Kiến trúc sư: Shunri Nishizawa
Năm hoàn thành: 2017
Diện tích sàn: 340 mét vuông
Thi công: thợ mộc địa phương
Ảnh: Hiroyuki Oki
Không gian bình dị của Châu Đốc House - nơi có 3 gia đình cùng chung sống
Những ngôi nhà ở miền Tây sông nước thường mang một mô tuýp kiến trúc với cột đá hoặc bê tông chống từ mặt đất, bên trên là hệ khung gỗ và cuối cùng phần mái tôn nhẹ bao bọc, che chắn mưa nắng cho toàn bộ căn nhà. Cột bê tông chống bên dưới chỉ thấp vừa đủ để nâng toàn bộ ngôi nhà nhằm tránh lũ lụt, tách biệt phần sàn nhà lên cao so với mặt đất hoặc mặt nước sông, và toàn bộ phần tầng trệt phía dưới đều bị bỏ hoang. Đó là nơi chứa đựng rác rưới, thậm chí là chất thải của gia súc, vật nuôi. Cùng với những yếu tố sẵn có như điều kiện nhà ẩm thấp, không có sự cách ly, cũng như những ô cửa sổ quá nhỏ không đủ thông thoáng, cuộc sống của người dân ở đây rất bấp bênh.
Trong guồng quay quá nhanh của sự đô thị hóa, những hình thái kiến trúc đặc trưng riêng của từng địa phương đang dần dần biến mất, thậm chí là cả không gian sống và văn hóa truyền thống bản địa cũng bị mai một dần. Do vậy dự án công trình nhà ở Châu Đốc House giống như một thông điệp nhằm nhắn gửi tới những người trẻ, đặc biệt là những kiến trúc sư, về sự trăn trở làm sao để những hình thức kiến trúc thay thế phù hợp bối cảnh thời đại nhưng vẫn luôn mang tinh thần kế thừa và không xóa đi những đặc trưng riêng, những giá trị tinh thần của văn hóa bản địa.
Ba đặc điểm nổi bật trong thiết kế kiến trúc của Châu Đốc House
- Châu Đốc House sử dụng phương pháp thiết kế lệch tầng, loại bỏ vách ngăn cứng phân chia không gian và sử dụng mái tôn theo hình cánh bướm với các độ cao khác nhau. Phương pháp thiết này nhằm tạo ra hiệu quả tản nhiệt, giúp ngôi nhà trở nên mát mẻ dưới cái nóng bức quanh năm đặc trưng của địa phương.
- Thiết kế cửa lật, nên cho dù toàn bộ đều sử dụng mái tôn nhưng không hề bức bí mà ngược lại, toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà trở thành nơi đón sáng, đưa nắng và gió vào từng không gian sống
- Châu Đốc House có lối thiết kế với không gian mở hoàn toàn, với các hệ thống dầm xà gỗ thông thoáng thay cho kết cấu bê tông đặc thường thấy ở những ngôi nhà phố. Cách thông tầng độc đáo này vừa tạo nên sự thông thoáng, sự đồ sộ cho không gian sống, vừa tạo nên được nét khác lạ trong kiến trúc.
Phong thủy Nghiên cứu Nhân vật Mẹo vặt