Tư vấn nội thất Nhân vật

Nữ kiến trúc sư Zaha Hadid - Nữ hoàng của đường cong

  • 0 /5 của 0 đánh giá

    Nữ kiến trúc sư Zaha Hadid, nhà thiết kế tài năng người Anh và còn được biết đến với cái tên Nữ hoàng của đường cong vì những thiết kế phức tạp và thanh lịch, đã trở thành một huyền thoại trong thời đại.

    Mục lục | Hiện

    Nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải thưởng Pritzker: Zaha Hadid là ai?

    Vào tháng 3 năm 2016, tin tức nữ kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Zaha Hadid (Zaha) qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 65, tại một bệnh viện ở Miami, đã tạo thành cơn sốc trong cộng đồng các kiến trúc sư. Bà sinh ngày 31 tháng 10 năm 1950 tại Iraq, học tập ở Beirut và đã nhập quốc tịch Anh, người phụ nữ xuất sắc vượt qua giới hạn cũ của một nghề nghiệp thống trị bởi nam giới và có những hợp đồng thiết kế trên khắp thế giới.

    Năm 2004, Zaha trở thành nữ kiến trúc sư đầu tiên được nhận giải thưởng kiến trúc Pritzker - tôn vinh sự khác biệt. Năm 2005, bà thắng trong cuộc thi thiết kế một sòng bạc mới ở Basel, Thụy Sĩ. Bà cũng được trao tặng Huân chương Vương Quốc Anh, tước sĩ quan (CBE) và huy chương vàng của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh năm 2016.

    Với cá tính đặc biệt của mình, mềm mỏng nhưng đầy quyết đoán, Zaha là một trong những KTS thành công nhất thế giới kiến trúc trong thế kỉ 21. Với vai trò cựu thành viên của Ban biên tập Bách khoa toàn thư Britannica, Zaha còn có mặt trong danh sách 10 kiến trúc sư “định hình” thế giới.

    Sự thành công của Zaha được ghi nhận từ hình thái của công trình. Với bà, hình thái chính là linh hồn của công trình, là hình ảnh tiên phong tác động đến với công chúng. Kiến trúc của Zaha luôn có hình thái và vẻ bề ngoài khác biệt, nổi bật khiến bất cứ ai khi chiêm ngưỡng cũng phải thốt lên rằng đây là tác phẩm của Zaha chứ không là ai khác.

    Dấu ấn sâu đậm trong nền kiến trúc thế giới - KTS Zaha Hadid.

    Dấu ấn sâu đậm trong nền kiến trúc thế giới - KTS Zaha Hadid.

    Nữ kiến trúc sư Zaha Hadid - nhà thiết kế nổi tiếng người Anh theo trường phái Kiến trúc giải tỏa kết cấu

    Trong suốt cuộc đời hành nghề của mình, Zaha đã nhận được hơn 90 giải thưởng, trong đó, giải thưởng quan trọng nhất là Pritzker năm 2014. Cho đến nay, bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được giải thưởng này. Không chỉ là một KTS nổi tiếng, Zaha còn là một nghệ sĩ và nhà thiết kế thành công với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tranh vẽ trừu tượng hay đồ nội thất. 

    Tháng 3 năm 2016, Zaha đột ngột ra đi. Thế giới mất đi một trong những nhà tiên phong của kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, những công trình và quan điểm thiết kế của bà vẫn mãi còn đó cho nhân loại chiêm ngưỡng và học hỏi. Zaha Hadid có câu nói bất hủ truyền cảm hứng cho tất cả những ai đam mê kiến trúc: "Nếu bạn muốn một cuộc sống dễ dàng thì đừng làm kiến trúc sư".

    Có lẽ chính vì vậy mà các thiết kế của Zaha luôn đặc trưng bởi sự ấn tượng, chối bỏ sự tầm thường, phức tạp nhưng thống nhất với những đường cong đầy năng lượng. Kiến trúc của bà có hơi thở của văn hóa, lịch sử truyền thống của xứ Trung Đông, đất nước Iraq bà sinh ra, song lại căng tràn những bứt phá hiện đại và đột phá mạnh mẽ của thế giới phương Tây, nơi bà học tập và trưởng thành.

    5 hình thái kiến trúc thiết kế đặc trưng của nữ kiến trúc sư Zaha Hadid

    Từ lúc tốt nghiệp trường kiến trúc London năm 1976 cho đến khi qua đời đột ngột năm 2016, Zaha đã thiết kế hơn 200 công trình, từ những dự định dang dở còn đang phác thảo trên giấy, đến những dự án đang được xây dựng và đã hoàn thành. Tác giả đã thống kê khoảng 100 công trình tiêu biểu nhất của Zaha Hadid và phân loại theo 5 hình thái bên dưới.

    1. Hình thái kiến trúc thiết kế siêu việt và giải tỏa kết cấu

    Phần lớn các thiết kế giai đoạn đầu của Zaha được truyền cảm hứng từ trào lưu siêu việt – một trào lưu nghệ thuật khởi đầu vào khoảng những năm 1913 từ Nga. Trào lưu siêu việt nổi bật với những tác phẩm trừu tượng sử dụng những hình khối hình học và đường nét cơ bản nhất, phối kết hợp tạo nên một sự đồng điệu đầy tinh khiết và giàu cảm hứng. 

    Tranh của Zaha Hadid (trái) và Kazimir Malevich (phải) - có thể dễ dàng thấy sự tương đồng trong tranh của Zaha Hadid với các tác phẩm trừu tượng của Kazimir Malevich – bậc thầy và là người tiên phong của trào lưu siêu việt. Nguồn: archpaper.com 

    Tranh của Zaha Hadid (trái) và Kazimir Malevich (phải) - có thể dễ dàng thấy sự tương đồng trong tranh của Zaha Hadid với các tác phẩm trừu tượng của Kazimir Malevich – bậc thầy và là người tiên phong của trào lưu siêu việt. Nguồn: archpaper.com 

    Zaha đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ này áp dụng vào sáng tác hình khối kiến trúc như trong thiết kế Tháp Đổi mới Jockey Club ở Hồng Kông hay Trạm cứu hỏa Vitra tại Đức với những đặc trưng của nghệ thuật siêu việt. Đó là sự phân mảng mạnh mẽ kết hợp với những đường nét kỉ hà và hình khối cơ bản như các hình chữ nhật hoặc tam giác, rồi cho chúng va chạm và giao thoa với nhau.

    Tháp Đổi mới Jockey Club nổi bật giữa các kiến trúc đã có từ lâu tại xứ Cảng Thơm nhờ vào thiết kế bất đối xứng đẹp mắt.

    Tháp Đổi mới Jockey Club nổi bật giữa các kiến trúc đã có từ lâu tại xứ Cảng Thơm nhờ vào thiết kế bất đối xứng đẹp mắt.

    Không dừng lại ở đó, từ cảm hứng tự do, phi trọng lực và phân mảng của chủ nghĩa siêu việt, kết hợp với ưu thế về không gian ba chiều của kiến trúc so với hội họa, Zaha đã tìm cách chuyển hóa tinh thần của nghệ thuật siêu việt sang một phong cách mới hết sức hiện đại và ấn tượng của kiến trúc – đó chính là phong cách giải tỏa kết cấu.

    Trạm cứu hỏa Vitra, Đức (1990). Nguồn: ZHA

    Trạm cứu hỏa Vitra, Đức (1990). Nguồn: ZHA

    Nếu những hình khối trong tranh trừu tượng của nghệ thuật siêu việt trôi nổi tự do trong khung tranh thì những hình khối kiến trúc được Zaha nhấc lên, cho bay bổng khỏi mặt đất một cách khéo léo bằng những thiết kế vượt khẩu độ lớn hay những hệ thống công trình trên cột trụ, điển hình như thiết kế Nhà hát opera vịnh Cardiff, xứ Wales (2009).

    Nhà hát opera vịnh Cardiff, xứ Wales (2009).

    Nhà hát opera vịnh Cardiff, xứ Wales (2009).

    2. Hình thái kiến trúc thiết kế mô phỏng địa hình

    Một trong những hình thức kiến trúc phổ biến khác của Zaha Hadid chính là hình thái mô phỏng địa hình. Hình thức này được đặc trưng bởi việc hấp thụ và chuyển hóa hình dáng bề mặt địa hình vào trong kiến trúc. Từ những đường công-tua, đường đồng mức của khu đất, từ độ gập ghềnh, trườn dốc và cả chiều hướng của bề mặt trái đất được Zaha nghiên cứu kĩ lưỡng và chuyển sang ngôn ngữ kiến trúc.

    Thiết kế Nhà hát Opera Dubai ở UAE (2006) được thiết kế mô phỏng theo những cồn cát sa mạc đặc trưng được nhìn thấy ở quanh Dubai. Nguồn: Designboom

    Thiết kế Nhà hát Opera Dubai ở UAE (2006) được thiết kế mô phỏng theo những cồn cát sa mạc đặc trưng được nhìn thấy ở quanh Dubai. Nguồn: Designboom

    Ý tưởng của bà được hình thành không giới hạn từ muôn vàn dạng địa hình khác nhau như những chóp núi, thung lũng, cồn cát, đầm lầy, cao nguyên, bình nguyên, vách đá hay thậm chí cả băng tích. Các công trình của Zaha trở nên thuần khiết, ấn tượng song lại hòa nhập với mặt nền và không gian.

    Ở Bảo tàng Giao thông ven sông Glasgow, Scotland – nơi giao nhau của hai con sông Clyde và Kelvin, chúng ta lại thấy hình ảnh mô phỏng sóng nước đang xô bờ trong thiết kế của bà. Nguồn: Designboom

    Ở Bảo tàng Giao thông ven sông Glasgow, Scotland – nơi giao nhau của hai con sông Clyde và Kelvin, chúng ta lại thấy hình ảnh mô phỏng sóng nước đang xô bờ trong thiết kế của bà. Nguồn: Designboom

    Những đặc trưng chính nhất trong thiết kế của Zaha trong hình thái kiến trúc phỏng địa hình là hình khối có tính liền mạch, mượt mà và được nắn chỉnh theo chiều hướng và giới hạn của địa hình. Hình thức lấy cảm hứng từ dạng địa hình và cảnh quan bề mặt trái đất. Công trình tiếp xúc, gắn kết chặt chẽ và sau đó gần như biến mất dần vào trong mặt đất.

    3. Hình thái kiến trúc thiết kế dòng chảy lỏng

    Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ả Rập, từ những đường cong mềm mại và biến hóa trong thư pháp Ả rập đã tạo nên nguồn cảm hứng cho những thiết kế hình thái dòng chảy lỏng của Zaha Hadid. Là người tiên phong rất thành công trong việc sử dụng hình thái dòng chảy lỏng trong các thiết kế của mình, Zaha tận dụng tối đa hình thái dòng chảy lỏng trong cả nội thất và ngoại thất với sự mượt mà, tuôn chảy, định hình, sự phát triển đa hướng, tính liên tục và liền mạch. Theo bà, “nên quăng những quy ước thiết kế thông thường ra trước gió, quên chúng đi, để từ đó cảm nhận không gian theo một cách mới mẻ hơn”.

    Cairo Expo City (2009) ở Ai Cập. Nguồn: Archdaily 

    Cairo Expo City (2009) ở Ai Cập. Nguồn: Archdaily 

    Trả lời phỏng vấn nhà báo Olivia Greenway năm 2011, Zaha nói: “Từ những ngày đầu tại AA (Trường đào tạo kiến trúc của Hội KTS Anh Quốc) tôi đã khám phá những khái niệm về hình thái siêu việt thông qua sự phân mảng, trừu tượng, hay bùng nổ... nhưng đam mê thực sự của tôi luôn luôn là tạo ra những không gian hình thái lỏng”. Zaha cho rằng hình thái lỏng với những đường cong của nó giúp cho công trình có nhiều khuôn nhìn đa dạng hơn ra xung quanh, đồng thời ngược lại cũng thu nhận được ánh sáng từ bên ngoài tốt hơn so với những công trình dạng khối hộp.

    Heydar Aliyev Center (2012) ở Azerbaijan. Nguồn: Archdaily 

    Heydar Aliyev Center (2012) ở Azerbaijan. Nguồn: Archdaily 

    Những đặc điểm đặc trưng nhất cho phong cách của Zaha Hadid khi tiếp cận hình thái lỏng là hình khối mang tính tuôn chảy dạng lỏng, liên tục và vô định. Công trình tiếp xúc và dần dần hòa vào mặt đất và cảnh quan. Bề mặt công trình chứa rất nhiều diện và đường cong, rất ít xuất hiện các góc nhà hoặc những bề mặt vuông góc. Không gian nội thất thống nhất với hình thức bên ngoài, mang tính động rất cao, có thể sử dụng đa mục đích cho nhiều công năng khác nhau, ngăn chia thay đổi dễ dàng. Lối vào, cửa đi và cửa sổ được thiết kế cùng ngôn ngữ lỏng hoặc là một phần của hình khối.

    4. Hình thái kiến trúc thiết kế hữu cơ

    Hình thái hữu cơ trong thiết kế của Zaha Hadid được lấy cảm hứng từ bất kì sinh vật hoặc vật chất nào trong tự nhiên. Trong các công trình của Zaha, chúng ta thấy hàng loạt ý tưởng xuất phát từ sự quan sát và nghiên cứu tỉ mỉ hình thái của động vật và cây cỏ. Đôi khi bà mô phỏng và chuyển hóa cả những chi tiết cấp độ siêu nhỏ như những tế bào vào trong thiết kế của mình, điển hình là công trình Trung tâm trình diễn nghệ thuật Abu Dhabi ở UAE có hình khối như một sinh vật sống liên kết bởi hàng trăm tế bào.

    Trung tâm trình diễn nghệ thuật Abu Dhabi ở UAE. Nguồn: Archdaily 

    Trung tâm trình diễn nghệ thuật Abu Dhabi ở UAE. Nguồn: Archdaily 

    Những sinh vật đại dương cũng được mô phỏng nhiều trong thiết kế những công trình gần biển của Zaha. Những nét đặc trưng nhất trong thiết kế hữu cơ của Zaha lấy cảm hứng từ các sinh vật hoặc vật chất trong tự nhiên, chủ yếu là sinh vật biển, do đó đạt được sự mềm mại và vẻ đẹp thuần khiết. Chứa đựng những bề mặt không theo quy luật cụ thể và thường là bất đối xứng, công trình rất hòa quyện với cảnh quan xung quanh do sự tương đồng giữa hình thái kiến trúc và vật chất cũng như sinh vật tại địa điểm.

    Regium Waterfront ở Italy lấy cảm hứng từ con sao biển. Nguồn: Strettoweb

    Regium Waterfront ở Italy lấy cảm hứng từ con sao biển. Nguồn: Strettoweb

    Cảng biển Salarno, Italy được thiết kế theo dạng vỏ hàu. Nguồn: Platform-ad.com

    Cảng biển Salarno, Italy được thiết kế theo dạng vỏ hàu. Nguồn: Platform-ad.com

    Resort đảo Munandhua, Maldives mang dáng dấp của một chú cá lớn. Nguồn: ZHA

    Resort đảo Munandhua, Maldives mang dáng dấp của một chú cá lớn. Nguồn: ZHA

    Phần lớn các công trình hình thái hữu cơ của Zaha thường bao phủ bởi những mặt cong nhưng đôi lúc lại rất sắc cạnh và gai góc như thiết kế quần thể Biệt thự nghỉ dưỡng ở resort Dubrovnik, Croatia khi bà muốn miêu tả hình ảnh sỏi đá và vỏ sò đặc trưng tại bờ biển này.

    Biệt thự Đá và Vỏ sò, khu Resort Dubrovnik, Croatia và hình ảnh liên hệ tại bờ biển. Nguồn: Arch2O 

    Biệt thự Đá và Vỏ sò, khu Resort Dubrovnik, Croatia và hình ảnh liên hệ tại bờ biển. Nguồn: Arch2O 

    Thiết kế hữu cơ của Zaha đến từ niềm đam mê mãnh liệt dành cho tự nhiên từ khi bà còn nhỏ. Tâm sự trên Tạp chí The Guardian, Zaha cho biết mặc dù đã được biết đến miền Nam Iraq quà sách và ảnh của nhà thám hiểm Wilfred Thesiger, một người bạn của cha bà, Zaha vẫn thực sự bị kinh ngạc và cuốn vào không gian của kiến trúc và tự nhiên trong chuyến thăm đến vùng di tích Sumer, nơi được coi là cái nôi của kiến trúc từ thời nền văn minh 2900 năm trước công nguyên. “Vẻ đẹp cảnh quan, nơi mà cát, nước, lau sậy, chim muông, các tòa nhà và cùng con người, bằng cách nào hòa quyện với nhau, và đã không bao giờ rời bỏ tôi, tôi cố gắng khám phá, đúng hơn là phát minh ra, hình dáng kiến trúc từ đó, theo một cách đương đại”.

    5. Hình thái kiến trúc thiết kế tham số

    Mặc dù thiết kế tham số đã từng xuất hiện từ thời Antoni Gaudi, nhưng chỉ khi công nghệ thông tin phát triển mạnh với những phần mềm thiết kế siêu việt hơn, giải quyết được những bài toán phức tạp hơn thì thiết kế tham số mới thực sự đưa kiến trúc vào một giai đoạn phát triển mới. Văn phòng kiến trúc của Zaha Hadid là nơi tiên phong tiếp nhận thiết kế tham số và khai sinh ra trào lưu kiến trúc tham số từ năm 2008.

    nu-kien-truc-su-zaha-hadid-la-ai-19

    Kiến trúc tham số là kiến trúc được xây dựng trên những phép tính tham số, với các biến là tất cả các yếu tố liên quan đến công trình, thích ứng với nhau trong một thể thống nhất, khi chúng ta thay đổi một tham số thì cả hệ thống sẽ phát triển theo dựa trên sự tính toán của máy tính. Hình thái kiến trúc được tạo ra từ thiết kế tham số mang vẻ đẹp của sự tan chảy, của sự tái định dạng có chủ đích, nó có vẻ đẹp hình học độc đáo và không hề đơn điệu. Chính bởi những đặc tính này, Zaha Hadid đã sớm nhận ra thiết kế tham số rất phù hợp với phong cách thiết kế của bà.

    Với sự giúp đỡ của máy tính, công việc của bà sẽ trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn mà không bị mất đi tính sáng tạo từ những phác thảo tay, do có thể tạo được hàng triệu các phương án thiết kế khác nhau nhờ thay đổi tham số, điển hình như trong trường hợp tìm ý tưởng cho tòa tháp Sunrise Tower tại Kuala Lumpur, Malaysia (2009).

    Các phương án concept cho tòa tháp Sunrise Tower tại Kuala Lumpur, Malaysia. Nguồn: Recent Projects Zaha Hadid

    Các phương án concept cho tòa tháp Sunrise Tower tại Kuala Lumpur, Malaysia. Nguồn: Recent Projects Zaha Hadid

    Một ưu điểm nữa của kiến trúc tham số là có thể đưa vào thuật toán các tham số từ tất cả các vấn đề liên quan, như cảnh quan và bối cảnh, đến các dữ liệu về địa hình, thời tiết, môi trường, xã hội nên những thiết kế đạt được nhanh chóng thích ứng tốt với địa điểm, đồng thời đảm bảo tính thân thiện với môi trường, tính bền vững cao.

    Kết quả đạt được của kiến trúc tham số là những không gian vừa phức tạp nhưng vẫn rất đồng nhất, liên kết chặt chẽ với nhau, phản ứng tốt với các yếu tố bên trong và bên ngoài. Có thể kể ra những thiết kế điển hình của Zaha Hadid được triển khai bằng thiết kế tham số như Bảo tàng Guggenheim Hermitage, Vilnius, Lithuania (2007), Tòa án dân sự tại Madrid, Tây Ban Nha (2007).

    Bảo tàng Guggenheim Hermitage, Vilnius, Lithuania. Nguồn: archilovers.com

    Bảo tàng Guggenheim Hermitage, Vilnius, Lithuania. Nguồn: archilovers.com

    Hình thái kiến trúc hình thành từ thiết kế tham số được triển khai bởi văn phòng kiến trúc Zaha Hadid có các đặc trưng như Facade thường được bao phủ bởi hệ thống vỏ lưới hoặc đục lỗ. Hình dáng chung thường có dạng lỏng, dạng xoắn vặn, hoặc nén. Hình thái phụ thuộc vào các tham số được cung cấp, nên công trình tương tác rất tốt với môi trường và bối cảnh, đồng thời cũng rất hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng.

    Tòa án dân sự tại Madrid, Tây Ban Nha. Nguồn: e-architect.co.uk 

    Tòa án dân sự tại Madrid, Tây Ban Nha. Nguồn: e-architect.co.uk 

    Cảm nhận về các hình thái kiến trúc trong dòng chảy sự nghiệp của nữ kiến trúc sư Zaha Hadid

    Năm hình thái thiết kế này đã liên tục xuất hiện trong dòng chảy sự nghiệp đầy thăng trầm của Zaha Hadid. Từ lúc còn là sinh viên, Zaha đã được miêu tả là một người có cá tính đặc biệt. Bà luôn mơ về những công trình được coi là không tưởng tại thập niên 70. Có lẽ vì vậy trong giai đoạn đầu hành nghề, với nhiệt huyết tuổi trẻ, Zaha chọn hình thái siêu việt làm chủ đạo và sau này là giải tỏa kết cấu, do tính mạnh mẽ, nổi loạn của hai hình thái này. Thống kê cho thấy khoảng 50% công trình được bà sử dụng có hình thái kiến trúc siêu việt và giải tỏa kết cấu. 

    nu-kien-truc-su-zaha-hadid-la-ai-18

    Trong 10 năm tiếp theo, khi phải đối mặt với nhiều thất bại, bà bắt đầu quan tâm hơn đến công trình và muốn kết nối nó với xung quanh, từ đó hình thái địa hình dần xuất hiện và chiếm ưu thế trong các thiết kế của bà. Khi đã ở giai đoạn vững vàng nhất của sự nghiệp, bà chú ý nhiều hơn đến mặt xã hội của những công trình, tính thẩm mỹ và tính kết nối với thời đại, với tự nhiên, nên các thiết kế hình thái lỏng và hữu cơ trở dần trở thành sự lựa chọn tối ưu. Hình thái dòng chảy lỏng mặc dù chỉ khoảng 30% trong tổng số công trình nhưng là một trong những hình thái đặc trưng nhất của phong cách Zaha Hadid và đem lại cho bà danh hiệu “Nữ hoàng của những đường cong”. 

    Trả lời phỏng vấn của Jonathan Glancey trên tờ The Guardian (2006), Zaha Hadid tâm sự: “Khi mới bắt đầu hành nghề, tôi cố gắng để tạo ra những tòa nhà tỏa sáng như một đồ trang sức độc lập, tuy nhiên giờ tôi muốn những công trình của mình kết nối và tạo dựng nên cảnh quan mới, chảy cùng với nhịp điệu của những đô thị đương đại và cuộc sống của những cư dân đô thị đó”.

    Trong những năm đầu thế kỷ 21, Zaha Hadid không ngừng nỗ lực và để bắt kịp với sự phát triển công nghệ, với xu hướng kiến trúc bền vững hơn, xanh hơn, chính vì vậy, Zaha đã hướng văn phòng thiết kế của mình đi theo hướng kiến trúc mới. Cùng với “cánh tay phải” – KTS Patrik Schumacher – bà đã tạo ra một xu hướng thiết kế thức thời: Kiến trúc dựa trên thiết kế tham số. Mặc dù ra đời muộn nhất nhưng hình thái kiến trúc tham số vẫn chiếm khoảng 10% cho thấy nỗ lực luôn cải tiến vươn lên của Văn phòng thiết kế Zaha Hadid. 

    Và đặc biệt, trong giai đoạn sau này, Zaha thường phối kết hợp nhiều hình thái với nhau, tận dụng ưu điểm của hình thái này để khắc chế nhược điểm của hình thái khác chứ ít khi chỉ sử dụng một dạng hình thái duy nhất.

    Tòa tháp dân cư bằng kính và kim loại uốn cong ở 520 West 28th Street nhìn ra High Line, New York, Mỹ.

    Tòa tháp dân cư bằng kính và kim loại uốn cong ở 520 West 28th Street nhìn ra High Line, New York, Mỹ.

    Kết luận

    Cuộc đời hành nghề của Zaha Hadid đã cho thấy cá tính mạnh mẽ và tầm nhìn phi thường của một KTS tài năng bậc nhất. Với cá tính này, khi tiếp cận bất cứ hình thái kiến trúc nào, bà đều trở thành người thành công trong việc làm chủ hình thái và thủ pháp thiết kế tương ứng.

    nu-kien-truc-su-zaha-hadid-la-ai-20

    Chúng ta có 360 độ, tại sao phải dính với 1 góc duy nhất cơ chứ?” – nữ kiến trúc sư Zaha Hadid đã biến đổi kiến trúc từ việc vận dụng các yếu tố trừu tượng, phân mảng, phi trọng lực trong nghệ thuật siêu việt vào thiết kế để rồi trở thành người tiên phong trong trào lưu giải tỏa kết cấu, đến việc tiên phong sử dụng nhiều hình thái mới và biến những đường cong trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong thế giới kiến trúc vốn ngự trị bởi những góc và cạnh… với tầm nhìn dịu dàng và quyết liệu của chính mình.

    Chia sẻ:

    Tư vấn sản phẩm Thế giới nội thất Nhà đẹp Xu hướng - Thị trường
    Phong thủy Nghiên cứu Nhân vật Mẹo vặt

    Bài viết liên quan